10 điều cần biết để bón phân đúng cách và khoa học

Trong quá trình trồng và chăm sóc cây cảnh thì bón phân là khâu rất quan trọng. Muốn cho cây cảnh có cành lá tươi tốt, hoa đẹp, quả sai thì cần phải nắm bắt được phương pháp bón phân khoa học.

1. Bón đúng chủng loại phân và đúng phương pháp

Cây trồng yêu cầu phân gì thì bón phân đó. Phân bón có nhiều loại, nhưng có 3 loại chính là đạm – N, lân – P, kali – K. Lưu huỳnh (S) cũng rất cần nhưng với lượng ít hơn. Mỗi loại có chức năng riêng. Bón phân không đúng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả còn gây hại cho cây.

Bón đúng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ được ổn định môi trường của đất. Ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.

Có 2 loại phân bón: Phân bón gốc và phân bón lá. Tùy từng loại cây mà có phương pháp bón thích hợp. Với phân bón gốc thì bón vào hố, rãnh theo vành tán lá hoặc rải đều trên mặt đất. Với phân bón lá thì phun đều trên lá, nếu ướt được cả 2 mặt lá thì càng tốt.

2. Bón phân đúng lúc

Bón phân đúng lúc chính là bón phân vào đúng thời điểm cây cảnh cần chất dinh dưỡng. Khi phát hiện màu sắc của lá và hoa bị vàng hoặc nhạt màu, cây sinh trưởng yếu ớt thì đó là thời điểm bón phân tốt nhất. Ngoài ra, khi cây con ra lá cũng cần phải bón thúc, để đảm bảo đủ phân bón đáp ứng được tốc độ sinh trưởng nhanh của cây con.

Trong những giai đoạn sinh trưởng khác nhau, thì cây cảnh cũng có nhu cầu khác nhau đối với phân bón, loại phân bón và lượng phân bón cũng có sự khác biệt. Ví dụ, thời kỳ cây con, thì nên bón nhiều phân đạm để thúc đẩy cây con lớn nhanh, còn trong thời kỳ cây ra nụ thì có thể bón phân lân để thúc cho hoa to, có màu sắc rực rỡ, đồng thời cũng kéo dài thời kỳ ra hoa.

Hướng dẫn cách bón phân khoa học

3. Bón phân đúng liều lượng

Đối với loại cây cảnh trồng trong chậu, thì việc bón phân nên bón làm nhiều lần, mỗi lần bón ít. Thông thường, cứ cách từ 7 – 10 ngày thì lại bón một lần phân hòa loãng, Khi cây dần dần lớn lên, thì tăng dần nồng độ của phân. Ví dụ: nồng độ phân u-rê có thể bắt đầu từ 0.2 % táng dần lên 1 %, phân lân và phân kali có thể tăng từ 1 % lên 3-4%.

4. Bón phân theo mùa

Vào mùa xuân và mùa hè, cây sinh trưởng nhanh, vì thế cần phải bón nhiều phân hơn. Khi bước vào mùa thu, nhiệt độ dần hạ thấp, cây lớn chậm lại, lúc đó, cần bón ít phân hơn. Từ khoảng nửa cuối tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, nên ngừng bón phân, để phòng tránh hiện tượng cao trào sinh trưởng thứ 2. Nếu không, sẽ khiến cho tổ chức tế bào của cây trở nên quá yếu ớt, dẫn đến cây khó qua nổi mùa đông. Ngoài ra, cần chú ý, vào mùa đông, với những cây cảnh ở trạng thái ngủ nghỉ thì nên dừng bón phân.

phân bón cây cảnh
phan-bon-hieu-qua-den-cay-trong

5. Bón phân đúng nhu cầu sinh lý của cây

Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả.

Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậy khi bón phân nên chia ra bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh, không bón một lúc quá nhiều. Việc bón quá nhiều phân một lúc sẽ gây ra thừa lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm cho cây biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.

Bón phân có 3 thời kỳ: bón lót trước khi trồng (hay bón hồi phục sau khi cây thu hoạch vụ trước), bón thúc (nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây, tạo nhành lá mới), bón rước hoa (đón đòng), có nơi còn bón bổ sung khi tạo hạt, nuôi trái.

6. Bón phân phải dựa trên tốc độ sinh trưởng của cây

Những loại cây cảnh khác nhau thì có nhu cầu khác nhau đối với điều kiện môi trường đất. Nếu điều kiện không đảm bảo, thì cây cảnh sẽ không thích ứng được, dẫn đến lớn chậm. Khi bón phân, cần dựa trên tốc độ sinh trưởng của cây để xác định lượng phân. Cùng một loại cây cảnh, đối với những cây tốt khỏe, thì có thể bón đủ phân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nhưng đối với những cây yếu, thì nên dựa trên tình hình cụ thể, để giảm bớt lượng phân, sau đó, mới tăng dần cho đến khi đạt đến liều lượng bình thường. Đối với những cây yếu, lớn chậm, thì khả năng hấp thụ phân rất kém. Nếu bón nhiều phân, thì có thể phản tác dụng.

cách làm phân bón

7. Bón đúng nhu cầu sinh thái

Bón phân là hình thức bổ sung vào đất chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ngoài ra, còn có các vi sinh vật đất phân hủy các chất hữu cơ sẵn có hoặc cố định N từ không khí vào đất. Nhiều nhà khoa học Nga, Trung Quốc, Đức, Nauy cho rằng bón phân còn có tác dụng kích thích hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất. Nhờ đó cây được tăng cường cung cấp lượng các chất dinh dưỡng cân đối hơn. Bón phân không những cần cho cây trồng mà còn giúp cho vi sinh vật đất phát triển hữu hiệu hơn.

Bón đúng loại phân, bón đúng thời cơ, bón đúng đối tượng làm tăng khả năng chống chịu của cây đối với hạn, rét, thời tiết bất thường của môi trường và với sâu bệnh gây hại (ví dụ phân kali). Bón phân không phải lúc nào cũng để cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy cây trồng phát triển mà còn có trường hợp phải dùng phân để tác động hãm bớt tốc độ sinh trưởng nhằm tăng tính chịu đựng của cây trước các yếu tố xấu phát sinh.

8. Bón phân kèm với thuốc trừ sâu

Khi bón phân, nếu phát hiện cây bị sâu bệnh, thì có thể pha thuốc bảo vệ thực vật vào trong dung dịch phân. Như thế, việc bón phân vừa có tác dụng cung cấp dưỡng chất cho cây lại có tác dụng diệt trừ sâu bệnh.

9. Bón phân đúng thời vụ và thời tiết

Mùa vụ, nhiệt độ và thời tiết rất ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón, mưa làm rửa trôi, trực di phân bón, nắng khô làm phân bón không tạo được môi trường dinh dưỡng để tiêu, cây không phát triển, thối hoa, quả.

10. Bón phân theo điều kiện nhiệt độ

Đối với loại cây cảnh trồng trong chậu, khoảng tầm giữa trưa hoặc khi trời mưa thì không nên bón phân. Bón phân vào những thời điểm này dễ làm cho gốc cây bị tổn thương. Tốt nhất nên bón phân vào lúc chập tối. Vào mùa đông, hoặc cuối mùa thu, vì nhiệt độ môi trường hạ thấp, cây sinh trưởng chậm lại, thông thường không nên bón phân. Vào mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao, cây sinh trưởng mạnh, lúc đó nên bón nhiều phân. Khi nhiệt độ môi trường ở mức cao, thì phân bón thúc phải có nồng độ loãng, liều lượng ít, và nên bón làm nhiều lần.

Viết một bình luận